Cấy mỡ tự thân là một kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến, sử dụng chính mỡ của bệnh nhân để cải thiện đường nét khuôn mặt và khôi phục thể tích đã mất. Mỡ tự thân được nhiều phẫu thuật viên xem là chất liệu độn lý tưởng vì nó không bị đào thải, kết quả mềm mại, tự nhiên và có thể tồn tại vĩnh viễn. Phương pháp này ngày càng phổ biến trong y học thẩm mỹ nhờ vào kết quả tự nhiên và hiệu quả lâu dài.
Nội dung
1. Cấy Mỡ Tự Thân – Cơ sở khoa học
Sự lão hóa gây ra rất nhiều biến đổi trên khuôn mặt. Các nếp gấp như rãnh mũi má, rãnh lệ, các nếp nhăn,… là hệ quả của trọng lực tác động vào các mô mềm trên khuôn mặt, làm khuôn mặt trể nên già nua.
Theo tuổi tác, thể tích khuôn mặt bị giảm xuống do sự giảm thể tích của cả da, cơ, mỡ và xương. Cấy mỡ có thể bù đắp được sự thiếu hụt thể tích và tạo hình đường nét trên khuôn mặt, vì vậy cấy mỡ tự thân ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong tạo hình khuôn mặt. Nắm vững kiến thức về giải phẫu khuôn mặt giúp phẫu thuật viên có thể đạt kết quả tối ưu và hạn chế nguy cơ biến chứng trong cấy mỡ mặt. Việc xác định độ sâu và vị trí chính xác cần cấy mỡ là rất quan trọng.
Các lớp mỡ của khuôn mặt bao gồm các khoang mỡ nông và khoang mỡ sâu, được ngăn cách bởi hệ thống cân cơ nông. Nắm vững vị trí và cấu trúc giải phẫu của các khoang mỡ này cho phép phẫu thuật viên chọn vị trí thích hợp để cấy mỡ, xác định thể tích cần cấy cũng như kỹ thuật và dụng cụ cấy tối ưu
2. Chỉ định cấy mỡ trong tạo hình khuôn mặt
- Hõm trán.
- Hõm thái dương.
- Nếp nhăn gian mày, nếp nhăn trán, nếp nhăn mũi.
- Thiếu mỡ mi trên, mi dưới.
- Rãnh trũng lệ sâu.
- Rãnh mũi má sâu.
- Má hóp.
- Môi mỏng.
- Cằm lẹm, tạo hình đường viền hàm.
- Mặt mất đối xứng hai bên, teo lép nửa mặt.
3. Đối Tượng Không Nên Cấy Mỡ Tự Thân
- Khu vực cấy mỡ bị nhiễm trùng hoặc tổn thương.
- Bệnh nhân gặp vấn đề về đông máu hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
- Người đang trong quá trình giảm cân nhanh.
- Người dị ứng với thuốc gây mê.
4. Quy Trình Cấy Mỡ Tự Thân
Cấy mỡ tự thân gồm 3 giai đoạn:
- Lấy mỡ (Fat harvesting).
- Xử lý mỡ (Fat processing).
- Cấy mỡ (Fat transfer ).
-
các giai đoạn cấy mỡ
Giai đoạn 1: Lấy Mỡ
Mỡ ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể dùng để cấy được. Nhưng vị trí lấy mỡ phổ biến nhất là vùng bụng, vùng đùi, mông. Trong những trường hợp tạo hình khôn mặt có kết hợp hút mỡ nọng cằm thì có thể lấy chính mỡ đó để cấy tạo hình khuôn mặt. Trước khi tiến hành hút mỡ cần phải tiêm dung dịch hút mỡ vào vùng cần hút.
Dung dịch hút mỡ được pha như sau: 500 mL NaCl 0,9%, 25 mL dung dịch 2% lidocain, 0,5 mL epinephrin (1 : 100.000). Do lidocain làm giảm khả năng sống của tế bào mỡ, nên với trường hợp bệnh nhân được gây mê có thể không cần dùng lidocaine. Lượng dịch bơm vào và lượng hút ra có tỷ lệ 1 : 1, tức là cần hút ra bao nhiêu dịch mỡ thì cần bơm vào bấy nhiêu dung dịch hút mỡ.
Để tránh chảy máu, cần hút mỡ sau khi tiêm dung dịch hút mỡ 15 phút. Sử dụng que hút mỡ để tiến hành hút mỡ. Kỹ thuật hút mỡ đảm bảo ít chảy máu, hút đều trên nhiều mặt phẳng, nhiều hướng để tránh gây lõm vùng hút mỡ
Giai đoạn 2: Xử Lý Mỡ
Sau khi hút mỡ sẽ thu được một hỗn dịch bao gồm các hạt mỡ và một số thành phần không cần thiết như dầu, tế bào mỡ chết, máu và chất gây tê. Sự hiện diện của những thành phần này có thể ảnh hưởng đến sức sống của tế bào mỡ do thúc đẩy sự hoại tử, viêm và co mạch. Mục đích của giai đoạn xử lý mỡ là loại bỏ tối đa các thành phần trên, chỉ giữ lại các hạt mỡ.
– Để lắng: Hỗn dịch mỡ được đặt thẳng đứng trong 45 phút. Đây là cách đơn giản, ít chi phí, ít tổn thương cho các tế bào mỡ nhất nhưng lại tốn thời gian và còn lẫn nhiều thành phần không cần thiết.
– Quay ly tâm: Có thể thu được các hạt mỡ cô đặc bằng cách ly tâm từ 1 đến 3 phút ở tốc độ 3.000 vòng/phút (khuyến cáo của Coleman). Đây là phương pháp nhanh chóng, loại bỏ được tốt các thành phần không cần thiết, tuy nhiên phương pháp này làm giảm sức sống của các tế bào mỡ.
– Rửa và lọc: Hỗn dịch mỡ có thể được xử lý bằng cách sử dụng lưới lọc. Sử dụng nước muối sinh lý để rửa sạch các thành phần khác và giữ lại hạt mỡ trên lưới lọc. Quá trình này tương đối nhanh, ít tổn thương tế bào mỡ. Phương pháp lắng và ly tâm tạo thành ba lớp. Lớp giữa chứa các tế bào mỡ dùng để cấy. Lớp trên cùng chứa dầu và các tế bào mỡ bị phá hủy, lớp dưới chứa nước, máu, lidocain và epinephrin. Phẫu thuật viên sẽ loại bỏ lớp trên và lớp dưới, chỉ giữ lại lớp giữa chứa tế bào mỡ dùng để cấy.
![xử lý mỡ trước khi cấy mỡ](https://drmat.vn/wp-content/uploads/2025/01/Picture2-532x400.png)
Giai đoạn 3: Cấy Mỡ
![trước cấy mỡ](https://drmat.vn/wp-content/uploads/2025/01/z6219314147990_a04b56b5cf9dbb84d7c22a65ef00d236-300x400.jpg)
Mỡ sau khi được xử lý sẽ được chuyển qua các ống tiêm 1 mL trước khi được bơm vào các vị trí cấy mỡ, có thể bơm trực tiếp hoặc sử dụng súng bơm mỡ. Điểm vào của que cấy phải tiếp cận tối đa vùng cấy mỡ, sẹo cấy mỡ thường rất nhỏ và đẹp.
Mỗi lần bơm mỡ với số lượng nhỏ để dễ kiểm soát lượng mỡ cấy và giảm thiểu các biến chứng như vón cục, vôi hóa, nhiễm trùng hoặc u nang. Mỗi lần bơm không quá 0,05 – 0,1 mL, bơm vào theo nhiều mặt phẳng và theo các hướng khác nhau. Cần kiểm soát đầu que cấy tránh tổn thương mạch máu và thần kinh.
Nên cấy từ lớp sâu đến đến lớp nông, điều chỉnh dần lượng mỡ để đạt được kết quả mong muốn. Các nếp nhăn có thể được cải thiện tốt bằng kỹ thuật cấy mỡ nông dưới da, tuy nhiên cấy nông với số lượng quá nhiều dễ gây vón cục, sờ thấy nốt sần trên da và giảm khả năng sống của mỡ.
Sau khi cấy mỡ, lượng mỡ sẽ tiêu đi một phần, thông thường lượng mỡ được cấy sẽ tiêu đi khoảng 50 đến 90%, vì vậy lượng mỡ cấy vào cần nhiều hơn do với mục tiêu (khoảng 20%).
5. Ứng Dụng Cấy Mỡ Theo Vùng Mặt
Lượng mỡ cần được cấy phụ thuộc vào mong muốn của bệnh nhân và kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Điểm vào, mặt phẳng và kỹ thuật cấy mỡ tùy thuộc vào từng vị trí. Sau đây là các vùng thường được cấy mỡ trong tạo hình khuôn mặt:
– Trán, lông mày: Mỡ được cấy dưới da, trong cơ hoặc dưới cơ. Điểm vào thường ở chân tóc hoặc lông mày. Lượng mỡ cấy vùng này khoảng 5 đến 20 mL mỗi bên.
– Hõm thái dương: Nên tiêm 2 mặt phẳng trên và dưới cân thái dương nông. Điểm vào thường ở chân tóc hoặc lông mày. Lượng mỡ cấy khoảng 3 đến 15 mL mỗi bên.
– Vùng gian mày và vùng mũi: Điều trị nếp nhăn vùng gian mày, gốc mũi, các điểm lõm của mũi. Điểm vào có thể ở trán, gian mày, má, đầu mũi. Tiêm vào nhiều lớp khác nhau từ màng xương cho tới lớp dưới da. Đây là vùng chứa nhiều mạch máu nên hết sức thận trọng để tránh biến chứng mù mắt, đột quỵ.
– Vùng quanh mắt: Đây là vùng da rất mỏng, dễ gây gồ ghề mất thẩm mỹ. Yêu cầu phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm, nên bơm chậm từng hạt mỡ nhỏ. Phải cấy mỡ đa tầng, trên – trong – dưới cơ, bơm từ sâu ra đến nông, dọc theo viền ổ mắt. Mi trên nên cấy khoảng 0,5 đến 2 mL, mi dưới cấy không quá 3 mL.
– Má: Cấy mỡ má làm cải thiện tình trạng má hóp, giảm sự nhô ra của xương gò má. Thường sử dụng 2 điểm vào ở cạnh rãnh mũi má và cạnh cung gò má. Chú ý tránh tổn thương dây thần kinh dưới ổ mắt. Lượng mỡ cấy khoảng 5 đến 15 mL mỗi bên.
– Rãnh mũi má: Điểm vào gần khóe miệng hoặc rãnh môi má. Cấy mỡ cả lớp sâu sát màng xương và lớp nông dưới da. Chú ý tránh tổn thương động mạch mặt. Lượng mỡ cấy khoảng 2 đến 4 mL.
– Môi: Cấy mỡ ở lớp nông ngay bên dưới niêm mạc môi để tránh làm tổn thương cơ vòng môi và động mạch môi. Nên cấy bằng que cấy nhỏ 22 G.
– Cằm, dưới hàm: Cấy mỡ để cải thiện cằm lẹm, cằm xị hoặc làm rõ đường viền hàm. Điểm vào ở rìa hàm dưới, vùng dưới cằm và rãnh trước hàm. Cẩn thận để tránh làm tổn thương động mạch mặt. Lượng mỡ cấy vùng này khoảng 3 đến 10 mL mỗi bên tùy thuộc từng bệnh nhân.
6. Chăm Sóc Sau Phẫu Thuật
Sau khi cấy mỡ, bệnh nhân có thể bị sưng, bầm tím và cảm giác khó chịu nhẹ, thường sẽ hết trong vòng 6 tuần. Nên sử dụng túi chườm lạnh và băng ép để giảm sưng. Hạn chế các hoạt động mạnh nhằm đảm bảo sự sống sót của các tế bào mỡ.
7. Biến chứng sau cấy mỡ tự thân
Khuôn mặt không cân đối hai bên là biến chứng thường gặp nhất sau cấy mỡ tự thân, có thể xử lý bằng cấy mỡ bổ sung vùng lõm hoặc hút bớt mỡ vùng lồi.
Ngoài ra sờ thấy các khối mỡ, u cục dưới da có thể xử lý bằng hút mỡ hoặc cắt bỏ tổn thương. Hay gặp bầm tím, phù nề vùng cấy mỡ và vùng hút mỡ nhưng thường không nghiêm trọng và tự khỏi. Nên chườm mát vùng cấy để giảm phù nề, bầm tím. Một số biến chứng khác có thể gặp bao gồm: Nhiễm trùng, thuyên tắc mạch mỡ, mù mắt, tụ máu, tổn thương thần kinh, u hạt nhiễm khuẩn, sẹo xấu, biến dạng nơi lấy mỡ.
8. Kết Luận
Cấy mỡ tự thân không ngừng phát triển với sự kết hợp của các công nghệ mới như huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) để tăng tỷ lệ sống của mỡ. Với sự cải tiến này, hiệu quả và độ an toàn của phương pháp sẽ tiếp tục được nâng cao.
Nếu bạn đang cân nhắc một sự thay đổi tinh tế hoặc một liệu pháp trẻ hóa toàn diện, cấy mỡ tự thân chính là giải pháp tự nhiên và đáng tin cậy. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để có lựa chọn phù hợp nhất với nhu cầu và cấu trúc khuôn mặt của bạn.
Liên Hệ:
- Số điện thoại: 0986142792
- Trợ lí bs Mát: 0353199266
- Facebook cá nhân
- Website
- Tiktok